23-03-2023

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN

✍️ PHẦN 1: THỰC TRẠNG SAU NĂM 2022 ✍️
 
? Năm 2022 là một năm khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản (BĐS) với nhiều sự kiện liên quan đến TPDN kém chất lượng dẫn đến sự can thiệp mạnh tay của Chính phủ. Phát hành trái phiếu lĩnh vực BĐS giảm 77% so với năm 2021 trong khi mua lại trước hạn tăng 150%. Tính trong năm 2022, dòng tiền thu được từ TPDN của các doanh nghiệp BĐS là âm 8.000 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 39 tháng, tương đối ngắn so với nhu cầu vốn để phát triển dự án (60 tháng). Nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu và gặp khó khăn về tài chính.
 
? Nhằm tháo gỡ thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ đã có những động thái ban đầu như điều chỉnh kỹ thuật hạ lãi suất; ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP; ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP 2023. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nỗ lực của NHNN là để hỗ trợ nền kinh tế nói chung, còn về định hướng của Chính phủ mang tính dài hạn. Đối với khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp BĐS, Chính phủ chỉ tạo điều kiện mở thêm các phương hướng để doanh nghiệp tự xử lý khó khăn.
 
? Trong năm 2022 các sự vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cụ thể là TPDN phát hành riêng lẻ đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, định hướng chính sách cũng như niềm tin của người dân. Do đó, Chính phủ đã mạnh tay siết chặt thị trường trái phiếu. Những động thái này tác động tiêu cực đến kênh trái phiếu bao gồm: (1) Trái chủ liên tục rút vốn; (2) Các thương vụ chào bán trái phiếu liên tục thất bại; (3) Kế hoạch vốn của các doanh nghiệp BĐS bị phá sản.
 
? Quy mô phát hành giảm, quy mô mua lại trước hạn gia tăng (Hình 1). Trong năm 2022 và Quý 1/2023, tổng quy mô phát hành trái phiếu giảm mạnh. Tổng quy mô phát hành năm 2022 đạt trên 250 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 35,5% so với quy mô phát hành năm 2021. Chỉ có ngành Ngân hàng – với vị thế và năng lực tài chính tốt, cộng với có một lượng nhà đầu tư tổ chức ổn định, vẫn duy trì được quy mô phát hành lớn. Ngành Bất động sản năm 2022 phát hành được 80 nghìn tỷ đồng, giảm 77% so với năm 2021. Kỳ hạn phát hành bình quân không thay đổi so với năm trước, với giá trị trung bình khoảng 49 tháng (4 năm).
 
 
? Trái ngược với quy mô phát hành, quy mô mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh trong năm 2022 (Hình 2). Ngành Ngân hàng và Bất động sản là 2 ngành mua lại nhiều Trái phiếu nhất với quy mô lần lượt là 95 nghìn tỷ đồng và 88 nghìn tỷ đồng. Trong đó quy mô mua lại của Ngành Bất động sản tăng đột biến so với năm 2021 khoảng 150%. Nguyên nhân giá trị mua lại tăng đột biết một phần do nhà đầu tư lo sợ rủi ro nên bán lại trái phiếu (trong năm 2022 xảy ra tình trạng “Fund run” các quỹ trái phiếu), một phần do doanh nghiệp lo sợ các rắc rối pháp lý nên chủ động thu xếp dòng tiền mua lại. Tỷ lệ mua lại trước hạn bình quân đạt trên 45% (tính bằng giá trị mua lại chia cho giá trị trước mua lại), nhìn chung không thay đổi so với năm 2021.
 
 
? Khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Quý 1/2022 gần như là quý gần nhất các doanh nghiệp BĐS có thể huy động vốn hiệu quả thông qua thị trường trái phiếu (Hình 3). Kể từ quý 2/2022 trở đi, chỉ một số doanh nghiệp lớn, có tên tuổi hoặc đã tìm được nhà đầu tư mới có thể huy động được vốn. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2022 là 39 tháng (hơn 3 năm), không thay đổi so với năm 2021 và nhìn chung không phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của Doanh nghiệp BĐS, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này. Trong khi đó các doanh nghiệp BĐS phải mua lại trước hạn trái phiếu với quy mô lớn. Tổng quy mô mua lại lên đến 88 nghìn tỷ đồng (Hình 4), lớn hơn tổng quy mô phát hành (80 nghìn tỷ đồng).
 
 
 
? Như vậy, huy động ròng từ trái phiếu năm 2022 là âm 8 nghìn tỷ đồng, bắt đầu âm từ quý 2/2022 (-1 nghìn tỷ đồng) và đạt đỉnh điểm vào quý 4/2022 (-30 nghìn tỷ đồng). Thị trường bất động sản có dấu hiệu đóng băng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không trả được tiền cho nhà đầu tư và ngân hàng. Theo thông báo gần đây của HNX, đã có đến 46 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trong đó phần lớn là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Quy mô trái phiếu của các doanh nghiệp này chiếm 12% tổng quy mô TPDN. Số doanh nghiệp chậm thanh toán nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi những khó khăn về thị trường đầu ra, về dòng tiền chưa cải thiện đáng kể.
 
HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ:
 
Nhằm tháo gỡ những thực trạng khó khăn cho thị trường TPDN, đặc biệt ở các doanh nghiệp BĐS, NHNN và Chính phủ đã bước đầu tiến hành một số chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp BĐS. Cụ thể:
 
✔️ (Hình 05) NHNN ban hành thông tư 26/2022/TT-NHNN, hạ lãi suất điều hành (theo quyết định 313 và 314), theo đó giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% về 3,5%; lãi suất cho vay qua đêm của NHNN giảm từ 7% xuống 6%, lãi xuất cho vay lĩnh vực ưu tiên từ 5,5% về 5%. Theo đánh giá của chúng tôi, NHNN đã làm hết khả năng để hỗ trợ nền kinh tế, bởi hành động giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro bao gồm rủi ro tỷ giá (khi lãi suất điều hành của Fed vẫn đang ở mức cao) cũng như rủi ro lạm phát (đang ở mức trên 4%).
 
 
✔️ Về phía Chính phủ, cơ quan này đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65 liên quan đến trái phiếu, Nghị quyết 33/NQ-CP 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ở Nghị định 08, NTP AM đánh giá cao việc gia hạn trả nợ thêm 02 năm cũng như cho phép đàm phán trả nợ trái phiếu bằng tài sản hợp pháp khác. Đối với Nghị quyết 33, có thể thấy mục tiêu hàng đầu là phát triển thị trường BĐS lành mạnh trong dài hạn, hài hòa lợi ích, cân bằng các phân khúc, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà ở. Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ngắn hạn, Chính phủ chỉ tạo điều kiện, mở thêm các hướng đàm phán để doanh nghiệp tự xử lý khó khăn của mình. Các doanh nghiệp/dự án lành mạnh, dự án nhà ở xã hội thì tiếp tục được tạo điều kiện để triển khai. Điều này nhằm tách “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản sang một bên, để các lĩnh vực khác trong nền kinh tế tiếp tục phát triển.
 
? Mặc dù những động thái của NHNN và Chính Phủ đã mang lại những điểm sáng và hi vọng nhất định, tuy nhiên NTP AM cho rằng vẫn còn đó những hệ quả và khó khăn đối với thị trường TPDN, các doanh nghiệp BĐS cũng như nền kinh tế trong năm 2023 và 2024. Các chuyên gia của chúng tôi sẽ nêu ra những “điểm nghẽn” này trong bài tiếp theo, dự kiến từ 27/3 – 31/3/2023.
 
????̂̀?: NTP AM, ???????, ???